Hành Trình Trở Thành Một Tester

5 năm – thời gian để một tân sinh viên Công nghệ thông tin mất định hướng trở thành chuyên viên kiểm thử phần mềm (Tester)

Bạn có tin rằng, loài người chỉ là những kẻ bắt chước?

Tôi đã từng sống một cuộc đời chỉ biết bắt chước như vậy.

Hồi cấp ba, vì thấy mấy đứa bạn tranh nhau thi vào Công nghệ thông tin vì nghe nói ra trường lương nghìn đô, tôi bắt chước và đâm đầu học khối A. Tôi học ngày học đêm, giải hết các bộ đề có trên thị trường, đi học thêm đến tận tối khuya mới về đến nhà, giải hết các đề thì lại giải lại thêm lần nữa vì sợ kiến thức rơi rụng trong thời gian chờ thi.

Lên đại học, vì thấy bạn bè ai ai cũng apply vào các câu lạc bộ ở trường, tôi bắt chước và nộp đơn vào 4 câu lạc bộ. May thế nào lại đậu cả 4. Sau khi đậu, tôi lại cắm đầu tham gia tất cả các hoạt động, sự kiện, giao lưu và làm quen với các anh chị, bạn bè cùng câu lạc bộ. Tại nghe nói đó là quá trình sinh viên bỏ thời gian và công sức ra để thu lại “networking” quý giá.

Nghe có vẻ là một sinh viên năng động nhỉ?

Nhưng, sau hai năm đầu đại học, tôi gần như kiệt quệ. Rã rời, mệt mỏi, học lại nhiều môn. Sự bắt chước nhấn chìm tôi trong những deadline chẳng liên quan gì tới Công nghệ thông tin – chuyên ngành mà tôi theo học. Lên năm ba, khi thấy rất nhiều bạn đã đi thực tập, đã đi làm có lương, tôi nhận ra mình chẳng có gì trong tay, cảm giác như bản thân đang đắm mình trong màn sương mù dày đặc, không thấy bản thân mình, cũng không thấy con đường phía trước.

Tất cả đều mơ hồ, tôi bắt đầu không muốn đi tiếp.

Nhưng nghĩ về ánh mắt của mẹ lúc tiễn tôi đi học, tôi không đành lòng.

Thế là tôi bắt đầu loay hoay.

Việc đầu tiên tôi làm là ngừng bắt chước. Tôi bắt đầu out các câu lạc bộ để có thời gian đi sâu vào tìm hiểu chính mình. Đã có lúc tôi muốn gap year, nhưng lại chưa dám vì chẳng có chuẩn bị, cũng chẳng có mục tiêu gì trong cuộc sống. Thế là tôi tìm sách self-help để đọc.

Tôi đã mê đắm câu nói của tác giả Mễ Mông trong cuốn sách: “Sống thực tế giữa dòng đời thực dụng” “Thế giới này làm gì có đưa than ngày tuyết rơi, chỉ có dệt hoa lên gấm thôi. Bạn muốn được người khác dệt hoa lên gấm, trước tiên bạn phải trở thành gấm đã. Nhưng gấm thì có nhiều loại, đến bản thân muốn trở thành gì tôi còn không biết. Tự nhiên nhận ra, đọc xong sách self-help lại thấy mất định hướng hơn.

Tôi bắt đầu tìm một môi trường thực tế, chính xác là thực chiến hơn. Tôi trở thành thực tập sinh Developer ở một công ty phần mềm. Bắt đầu từ vị trí thực tập, tôi được trải nghiệm nhiều “ngóc ngách” của công việc Developer. Trải nghiệm hết xong lại thấy hình như bản thân không hợp với Developer lắm vì công việc đòi hỏi sáng tạo ra các đoạn mã, thành thạo các ngôn ngữ lập trình mà tôi thì không phải là người sáng tạo, hiểu biết về các ngôn ngữ lập trình cũng ở mức a – ma – tơ do thời sinh viên lười học từ đầu sau dần bị mất gốc. 

Tôi nhận ra mình thích những thứ thuộc về giao tiếp, xử lý tình huống, đó cũng là lý do mà tôi tích cực tham gia các câu lạc bộ sinh viên đến vậy. “Chết rồi! Chẳng có lẽ mình lại phải học lại từ đầu về một ngành khác?” – Tôi hoang mang.

May mắn, sếp nhìn thấy điều đó và cho tôi một góc nhìn rộng hơn về Công nghệ thông tin, gợi ý cho tôi một vị trí khác là Tester. Làm được vài hôm, tôi nhận ra bản thân chẳng biết tí gì về công việc này, chưa biết phải làm từ đâu, công ty cũng mới, sếp nhiều việc, tôi một thân một mình tự bơi. Hoang mang Hồ Quỳnh Hương thêm lần nữa.

May mắn thay, tôi được bạn giới thiệu khóa học Tester ở một công ty công nghệ. Điểm cộng trong khóa học này là nếu thành tích học tập tốt, tôi sẽ trở thành nhân viên chính thức. 

Hơn nữa, khóa học chỉ diễn ra trong 3 tháng, một thời gian rất ngắn so với 4 năm đại học để tìm được một công việc mình muốn. Tôi quyết định đăng ký, nếu không được nhận làm nhân viên thì cũng có kiến thức nền tảng để tự tin ứng tuyển vào các công ty khác. So với gần trăm triệu bỏ ra học đại học, số tiền để tham gia khóa học ít hơn nhiều. 

Các anh chị giảng viên của khóa học đều là những nhân viên nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Tester nên kiến thức truyền đạt rất thực tế và dễ hiểu. Thời gian cứ trôi đi, sáng tôi đi làm thêm kiếm tiền học, chiều học làm Tester, tối chăm chỉ làm bài tập, sau 3 tháng tôi đã đạt được thành tích khá trong lớp. Cảm xúc lúc đó sung sướng vô cùng. Và đồng thời công sức của tôi đã được đền đáp, tôi được công ty đề nghị thành nhân viên chính thức, làm fulltime.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại, tham gia các dự án thực tế của công ty hơi khác với khi đi học, tôi loay hoay chưa biết nên áp dụng như thế nào. May mắn lại mỉm cười khi được chính các anh chị giảng dạy trực tiếp chỉ bảo. Một người anh thân thiết nói với tôi rằng: “các bạn mới vào đừng ngại hỏi, teamwork với anh chị nhiều vào, quan trọng là cho ra dịch vụ chất lượng nhất làm khách hàng hài lòng, không biết thì phải hỏi, đừng giấu dốt, nghề này phát sinh nhiều tình huống đôi khi anh chị lâu năm trong nghề cũng phải bàn với các bạn trẻ để đưa ra cách giải quyết”. 

Ôi lời nói của anh giống như chất xúc tác mạnh, truyền cho tôi động lực để gắn bó lâu dài với nghề Tester hơn.

Sau hơn 2 năm, tôi đã thực sự gắn bó với nghề, hàng ngày vui vẻ tư vấn các bạn trong team nên xử lý các tình huống test như thế nào, thuyết phục Developer cùng ngồi lại để khảo sát function trên môi trường test con số…

Không chỉ phù hợp, làm tester mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích 

Lợi ích thứ nhất là tôi được biết nhiều business domain khác nhau và được nhìn sâu xuống toàn bộ hệ thống.

Ví dụ khách hàng muốn phần mềm cho business domain A. Với cương vị là một Tester của phần mềm này, tôi phải hiểu business domain A và hiểu phần mềm của mình giải quyết được vấn đề nào của khách hàng, giải quyết như thế nào, chứ không chỉ xoay quanh phần mềm này có bao nhiêu chức năng và những chức năng này làm gì, input là gì, output là gì.

Đồng thời, Tester có cơ hội hiểu và thấy phần mềm để giải quyết bài toán của business domain A kia thì cần được thiết kế như thế nào, cần bao nhiêu database, phải xây dựng chức năng nào cho dịch vụ nào…

Lợi ích thứ 2 là nghề này giúp tôi nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau.

Có một châm ngôn mà tôi luôn khuyên các bạn Tester để có khả năng nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, đó là “be stupid”.

Đừng hi vọng rằng người dùng biết phải gõ cái gì, phải làm cái gì. Khi đã đưa sản phẩm ra thực tế thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và bất cứ ai cũng có thể làm bất cứ điều gì trên phần mềm.

Nhưng một Tester giỏi cần phải nhìn: “Có dữ liệu thì nó ra file như vầy, không có dữ liệu mà bấm nút xuất báo cáo thì nó như thế nào? Phần mềm chạy ra sao? Hiện ra câu thông báo gì? Câu thông báo có thân thiện với người dùng không? Hoặc là một function nào đó báo lỗi, thì nội dung thông báo có thân thiện không?”

Lúc nói ra vấn đề mà trao đổi với người nhận Bug vui vẻ fix bug đó là đã thành công. 

Vì vậy, lợi ích thứ 3 là nghề này luyện cho tôi khả năng xử lý tình huống. Ngoài ra còn gián tiếp cải thiện khả năng giao tiếp của tôi. Đến đây tôi lại thấy mấy năm trời tham gia câu lạc bộ ở trường đại học quả không uổng công chút nào nên các bạn sinh viên ngoài học thì nên tham gia để tăng khả năng giao tiếp nhé. Vùi đầu vào học là tốt nhưng đi làm phải giao tiếp khá nhiều đó.

Sau này, tôi nhận ra rằng mất định hướng là chuyện không thể tránh. Nhưng quyết tâm thay đổi lựa chọn ban đầu của mình là một điều may mắn và dũng cảm. Các bạn sinh viên hãy tìm cho mình một công ty để thử sức, tự trải nghiệm để thấu hiểu mong muốn của bản thân hơn.

Nói nghe dễ dàng nhưng đấy là tôi còn may mắn gặp được anh sếp định hướng thay cho tôi, không thì không biết bây giờ thế nào. Nhưng không phải ai cũng may mắn vậy.

Mong rằng câu chuyện của tôi có thể giúp bạn một chút trong quá trình định hướng. Chúc bạn tìm được đường đi cho mình.

Cảm ơn các anh chị trong công ty Techlead rất nhiều.

 

(Đây là chia sẻ thực tế của một bạn Tester, đi lên từ học viên và đang làm việc tại TechLead)

Table of Contents

Bài viết liên quan